Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa âm nhạc tại TP.HCM
Chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới tại TP. HCM
Ngày 20/4/2025, tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc.” Sự kiện nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi, phản ánh thực trạng và đưa ra các giải pháp phát triển thị trường âm nhạc cả trong nước và quốc tế.
Chủ trì hội nghị là Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Cục trưởng Cục nghệ thuật Biểu diễn; ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL; và bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo – Dân vận Trung ương.
Đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng tổ chức một đối thoại mở với các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Mục tiêu của sự kiện là nắm bắt tình hình thực tế, các khó khăn về cơ chế, thủ tục, và định hướng xây dựng các sự kiện âm nhạc có quy mô, giá trị văn hóa, kinh tế và khả năng xuất khẩu các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao ra thị trường quốc tế.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu, bao gồm các doanh nghiệp, nhà sản xuất âm nhạc, cũng như đại diện các hội, hiệp hội liên quan, đã chia sẻ về những vướng mắc trong ngành âm nhạc như quy trình cấp phép tổ chức sự kiện còn rườm rà, chính sách thuế và tài chính thiếu rõ ràng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, cùng với sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến bảo vệ bản quyền âm nhạc, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, có khả năng thương mại hóa và công nghiệp hóa vẫn còn nhiều bất cập. Các đơn vị như Vietnam Idol, BH Media, TikTok Việt Nam, Vietfest, Yeah1 cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ trong việc phát hành và khai thác sản phẩm âm nhạc. Họ cũng đề xuất cơ chế hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài và kết nối giữa các đơn vị trong ngành nhằm phát triển công nghiệp âm nhạc một cách bền vững.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất các chính sách ưu đãi thuế cho các nhà sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo nội dung và mở rộng các mã ngành mới như ngành livestream để thuận tiện thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết sẽ nghiên cứu các ý kiến để tham mưu cho Chính phủ, Bộ VHTT&DL và các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, tối 20/4, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở VHTT TP.HCM, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tổ chức Chương trình giao lưu “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tôn vinh giá trị sáng tạo.
Các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hải Phượng, Nhạc sĩ Hoài An, Nhạc sĩ Đức Trí, Ca sĩ Võ Hạ Trâm, Nhóm MTV, và nhiều nghệ sĩ khác đã chia sẻ về cách thức bảo vệ quyền lợi của họ và trách nhiệm bảo vệ sở hữu trí tuệ. Chương trình cũng vinh danh những nghệ sĩ, nhạc sĩ có đóng góp cho lĩnh vực bản quyền âm nhạc, đồng thời trao quà cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh các tiết mục âm nhạc đặc sắc, chương trình cũng biểu diễn các ca khúc mới viết về TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2025).
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN