Giấy phép rời cảng đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển, duy trì trật tự và an ninh hàng hải, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hàng hải. Vận chuyển thông qua đường biển, các tàu thuyền cần ra vào cảng thường xuyên. Tuy nhiên, đối với cảng biển, không phải các phương tiện có thể ra vào một cách tự do. Đó chính là lý do vì sao Quý Khách hàng cần lưu ý về Giấy phép rời cảng.
I.Giấy phép rời cảng là gì?
Giấy phép rời cảng là văn bản do Cảng vụ hàng hải cấp cho phương tiện thủy nội địa được phép rời khỏi cảng. Giấy phép rời cảng là một trong những điều kiện bắt buộc để phương tiện thủy nội địa được phép rời khỏi cảng.
II. Nội dung của giấy phép bao gồm:
– Thông tin của tàu biển như tên gọi, quốc tịch, số hiệu tàu, dung tích;
– Tên của thuyền trưởng và số thành viên trên tàu (gồm cả thuyền viên và hành khách);
– Số lượng hàng hóa;
– Thời gian tàu biển rời cảng và cập cảng;
– Chức danh và chữ ký của người đã cấp giấy phép.
Các thông tin trên phải đảm bảo tính chính xác về mặt nội dung và số lượng mới có thể được phép xuất cảng. Bộ phận hải quan sẽ tiến kiểm tra về mặt nội dung thông tin cũng như số lượng hàng hóa để xác thực độ chính xác của hồ sơ. Trường hợp thông tin trên giấy phép khác với thông tin mà bộ phận hải quan kiểm tra thì tàu biển sẽ không được phép rời cảng và bị giữ lại. Việc tàu biển bị giữ lại không chỉ gây ảnh hưởng đến thời gian, công sức của mọi người trên tàu mà còn gây tốn nhiều chi phí và chất lượng của hàng hóa cần vận chuyển.
III. Xin cấp giấy phép rời cảng như thế nào?
– Cơ sở pháp lý: Điều 53 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về hoạt động đường thuỷ nội địa có quy định xin cấp giấy phép rời cảng (sau đây gọi tắt là “Nghị định 08/2021/NĐ-CP“) được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và xuất trình giấy tờ
Người có yêu cầu xin giấy phép rời cảng phải nộp, xuất trình cho Cảng vụ hàng hải các giấy tờ, tài liệu trước khi phương tiện thủy nội địa rời cảng.
Giấy tờ cần nộp, xuất trình gồm có:
– Giấy tờ phải nộp: danh sách hành khách (đối với phương tiện vận tải hành khách);
– Giấy tờ phải xuất trình:
- Hợp đồng vận chuyển hoặc giấy vận chuyển hoặc phiếu xuất hàng hóa;
- Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện nếu có thay đổi so với khi phương tiện vào cảng, bến thủy nội địa.
Đối với phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa khi hạ thủy để hoạt động, chủ phương tiện hoặc chủ cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện phải xuất trình cho Cảng vụ các giấy tờ sau:
- Biên bản kiểm tra xác nhận phương tiện đủ điều kiện để hoạt động của Cơ quan Đăng kiểm;
- Phương án bảo đảm an toàn giao thông khi hạ thủy phương tiện do chủ cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện lập.
Bước 2: Cấp phép rời cảng
Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cảng vụ hàng hải cấp phép rời cảng cho phương tiện thủy nội địa.
IV. Thủ tục xin cấp giấy phép rời cảng được thực hiện thông qua những hình thức nào?
– Cơ sở pháp lý: Điều 51 Nghị định 08/2021/NĐ-CP có quy định về hình thức, thời gian, địa điểm làm thủ tục phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa:
1. Hình thức làm thủ tục phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa:
a) Nộp, trình giấy tờ trực tiếp tại Cảng vụ;
b) Thủ tục điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải (phương tiện, tàu biển vận tải nội địa, thủy phi cơ);
c) Thủ tục điện tử áp dụng cơ chế một cửa quốc gia (phương tiện, tàu biển xuất, nhập cảnh, phương tiện thủy nước ngoài);
d) Thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa Asean;
đ) Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Thời gian làm thủ tục:
Trong thời gian 30 phút, kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, trừ tàu biển và phương tiện thủy nước ngoài.
3. Địa điểm làm thủ tục bằng hình thức nộp, trình giấy tờ trực tiếp đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài:
Địa điểm làm thủ tục bằng hình thức nộp, trình giấy tờ trực tiếp đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài làm thủ tục tại văn phòng của Cảng vụ hoặc tại cảng, bến hoặc có thể trên phương tiện (trong trường hợp đối với phương tiện đến từ khu vực dịch bệnh liên quan đến người, động vật, thực vật).
4. Quy trình thủ tục điện tử:
Quy trình thủ tục điện tử áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa Asean thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
5. Mức thu phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa theo quy định tại Thông tư số 248/2016/TT-BTC:
5.1. Phí trọng tải
a) Lượt vào (kể cả có tải, không tải): 165 đồng/tấn trọng tải toàn phần;
b) Lượt ra (kể cả có tải, không tải): 165 đồng/tấn trọng tải toàn phần.
5.2. Lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa
a) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 10 tấn đến 50 tấn: 5.000 đồng/chuyến;
b) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 50 tấn đến 200 tấn hoặc chở khách có sức chở từ 13 ghế đến 50 ghế: 10.000 đồng/chuyến;
c) Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 200 tấn đến 500 tấn hoặc chở khách có sức chở từ 51 ghế đến 100 ghế: 20.000 đồng/chuyến;
d) Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 500 tấn đến 1.000 tấn hoặc chở khách từ 101 ghế trở lên: 30.000 đồng/chuyến;
đ) Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1.000 tấn đến 1.500 tấn: 40.000 đồng/chuyến;;
e) Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1.500 tấn: 50.000 đồng/chuyến;
5.3. Phí trình báo đường thủy nội địa
a) Tàu biển, thủy phi cơ: 100.000 đồng/lần
b) Phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài: Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn; Phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người: 50.000 đồng/lần
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 44/2023/TT-BTC: Từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức phí trình báo đường thủy nội địa bằng 50% mức thu phí trên. Trường hợp trong cùng một chuyến đi, phương tiện vào, ra nhiều cảng bến thủy nội địa thuộc cùng một đại diện Cảng vụ quản lý chỉ phải chịu một lần phí, lệ phí. Phương tiện vào, ra cảng, bến không nhằm mục đích bốc dỡ hàng hóa, không nhận trả khách áp dụng mức thu phí trọng tải bằng 70% mức thu phí trọng tải quy định.
Đối với các phương tiện không phải là phương tiện chở hàng hóa được quy đổi khi tính phí trọng tải như sau:
- Phương tiện chuyên dùng: 01 mã lực hoặc sức ngựa tương đương với 01 tấn trọng tải toàn phần;
- Phương tiện chở khách: 01 giường nằm tương đương với 06 ghế hành khách hoặc tương đương với 6 tấn trọng tải toàn phần; 01 ghế hoặc 01 hành khách tương đương với 01 tấn trọng tải toàn phần;
Đối với đoàn lai: tính bằng tổng trọng tải toàn phần của các phương tiện bị lai;
Đối với tàu thủy ra, vào cảng, bến để sửa chữa, phá dỡ hoặc hạ thủy: tính bằng 50% trọng tải lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận của cơ quan đăng kiểm;
Trọng tải sau khi quy đổi là tấn: Phần lẻ dưới 0,5 tấn không tính, từ 0,5 tấn trở lên tính trong là 01 tấn;
Đối với phương tiện chở chất lỏng: 01 m3 được tính tương đương là 01 tấn tải trọng toàn phần;
Đối với thủy phi cơ: 01 mã lực (HP,CV) tính bằng 0,5 GT và 01 GT bằng 1,5 tấn trọng tải toàn phần.
6. Thời hạn lưu trữ giấy phép rời cảng:
-Cơ sở pháp lý: khoản 7 Điều 54 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định thời hạn lưu trữ giấy phép rời cảng như sau:
- Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa có thể là bản giấy hoặc giấy phép điện tử. Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa của phương tiện, thủy phi cơ theo Mẫu số 37, Mẫu số 38 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
- Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa do Cảng vụ đường thủy nội địa cấp và giấy phép rời cảng biển, cảng, bến thủy nội địa do Cảng vụ Hàng hải cấp được lưu trữ bằng giấy hoặc điện tử. Thời gian lưu trữ giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa bằng giấy là 02 năm, kể từ ngày phát hành. Hết thời hạn lưu trữ, Cảng vụ, Cảng vụ Hàng hải có trách nhiệm hủy giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa.
Như vậy, thời hạn lưu trữ giấy phép rời cảng bằng giấy là 02 năm, kể từ ngày phát hành. Cảng vụ, Cảng vụ Hàng hải có trách nhiệm hủy giấy phép rời cảng khi hết thời hạn lưu trữ.
-Cơ sở pháp lý: khoản 5 Điều 54 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định kiểm tra, cấp giấy phép phương tiện, thủy phi cơ vào, rời cảng, bến thủy nội địa
1. Người làm thủ tục có thể lựa chọn một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định này để làm thủ tục cho phương tiện, thủy phi cơ vào, rời cảng, bến thủy nội địa và theo quy định sau:
a) Trường hợp thực hiện trực tiếp tại địa điểm làm thủ tục, người làm thủ tục nộp, xuất trình giấy tờ quy định tại Điều 52, Điều 53 Nghị định này cho Cảng vụ;
b) Trường hợp làm thủ tục điện tử, người làm thủ tục cung cấp giấy tờ quy định tại Điều 52, Điều 53 Nghị định này trên phần mềm điện đử (do người làm thủ tục lựa chọn).
2. Kiểm tra giấy tờ thuyền viên, phương tiện
a) Trường hợp tiếp nhận giấy tờ trực tiếp từ người làm thủ tục, Cảng vụ kiểm tra sự phù hợp của giấy tờ theo quy định;
b) Trường hợp tiếp nhận giấy tờ qua thủ tục điện tử, Cảng vụ chỉ kiểm tra trên cơ sở dữ liệu mà không kiểm tra trực tiếp giấy tờ của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, nếu phát hiện có sai sót thì kiểm tra trực tiếp.
3. Kiểm tra phương tiện
a) Cảng vụ kiểm tra phương tiện trên cơ sở giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;
b) Nếu phát hiện có vi phạm thì Cảng vụ thông báo, xử lý và hướng dẫn người làm thủ tục có biện pháp khắc phục, thay đổi bảo đảm đúng quy định.
4. Phương tiện, thủy phi cơ được cấp giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa khi bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Nghị định này.
5. Phương tiện được cấp phép rời cảng, bến thủy nội địa vẫn neo tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa quá 24 giờ thì phải đổi lại giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa để điều chỉnh thời gian rời cảng, bến thủy nội địa.
6. Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa có thể là bản giấy hoặc giấy phép điện tử. Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa của phương tiện, thủy phi cơ theo Mẫu số 37, Mẫu số 38 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa do Cảng vụ đường thủy nội địa cấp và giấy phép rời cảng biển, cảng, bến thủy nội địa do Cảng vụ Hàng hải cấp được lưu trữ bằng giấy hoặc điện tử. Thời gian lưu trữ giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa bằng giấy là 02 năm, kể từ ngày phát hành. Hết thời hạn lưu trữ, Cảng vụ, Cảng vụ Hàng hải có trách nhiệm hủy giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa.
Như vậy theo quy định trên trường hợp phương tiện được cấp phép rời cảng, bến thủy nội địa vẫn neo tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa quá 24 giờ thì phải đổi lại giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa để điều chỉnh thời gian rời cảng, bến thủy nội địa.