Cần quyết liệt chống lãng phí đất đai để khai thông nguồn lực quốc gia

Tại khoản 1, điều 54 của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước”. Tuy nhiên, nguồn lực đặc biệt này vẫn đang bị lãng phí nghiêm trọng tại nhiều địa phương, kéo dài qua nhiều năm. Do đó, việc ngăn chặn và xử lý tình trạng lãng phí đất đai, bất động sản đã trở thành yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Cần quyết liệt chống lãng phí đất đai để khai thông nguồn lực quốc gia
Cần quyết liệt chống lãng phí đất đai để khai thông nguồn lực quốc gia

Lãng phí đất đai hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến hàng loạt khu đất công bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng; hoặc những khu đất được cho thuê, chuyển nhượng, cổ phần hóa không đúng quy định gây thất thoát ngân sách. Không ít dự án bất động sản rơi vào cảnh “đắp chiếu” do vướng mắc thủ tục hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai. Nhiều khu đô thị mới, nhà ở thương mại xây xong nhưng không có người đến ở, vì quy hoạch thiếu thực tế, không đáp ứng nhu cầu thật của người dân.

Ghi nhận tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn cho thấy tình trạng những khu “đất vàng” bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, thậm chí trở thành nơi chăn thả gia súc. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho ngân sách và gây bức xúc trong xã hội.

Các chuyên gia cảnh báo nếu không có biện pháp xử lý mạnh tay, mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, minh bạch và bền vững khó thành hiện thực. Xa hơn, nó có thể làm chậm lại quá trình tận dụng cơ hội tăng trưởng và phát triển kinh tế trong giai đoạn mới của đất nước.

Ông Lê Quang Mạnh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế – Tài chính của Quốc hội nhận định, tình trạng sử dụng đất công kém hiệu quả còn phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Công tác kiểm tra, phân loại, sắp xếp, xử lý nhà đất công còn chậm trễ, thiếu sự phân cấp rõ ràng. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu minh bạch hóa và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý.

Thực tế, nhiều khu đất thuộc các dự án chậm tiến độ, hoặc từng được giao cho các nông – lâm trường nhưng đã bị bỏ hoang sau thanh tra, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Điều này không chỉ gây lãng phí lớn, mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự nghiêm minh của hệ thống quản lý nhà nước về đất đai.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng việc thu hồi dứt điểm các dự án “treo”, đất bị bỏ hoang cần được coi là một trụ cột trong chiến lược tiết kiệm, chống lãng phí. Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu không gian đô thị, giải phóng nguồn lực và tạo dư địa tăng trưởng cho kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ, sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền và tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – cho rằng việc xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn lực đất đai sẽ tạo động lực cho kinh tế phát triển, thúc đẩy sự lành mạnh, minh bạch của thị trường bất động sản. Ông cũng nhấn mạnh cần xây dựng lộ trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống quản lý thông minh để sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Cao, Giám đốc Công ty Luật FDVN, cho rằng chống lãng phí không chỉ là xử lý hậu quả, mà quan trọng hơn là phải ngăn ngừa từ gốc bằng một hệ thống pháp luật đầy đủ, có tính răn đe. Theo ông, cần xây dựng “khung đỡ” pháp lý phù hợp thực tiễn, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai thuận lợi, minh bạch hơn. Việc dẹp bỏ những biểu hiện nhũng nhiễu trong quản lý cũng là yếu tố quyết định để quản lý đất đai hiệu quả.

Trong kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025, Chính phủ đã xác định một trong những trọng tâm là kiên quyết thu hồi các dự án treo, xử lý dứt điểm tình trạng thất thoát tài sản công, nhất là đất đai. Việc loại bỏ các dự án kém hiệu quả và tận dụng tốt nguồn lực đất đai sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế hiện đại, hiệu quả và công bằng.

Nguồn: Báo tin tức

HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *