Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với nhiều chủ trương đột phá trong tiếp cận đất đai, cải cách thủ tục và khai thác hiệu quả nguồn lực công.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách để doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Một trong những mục tiêu quan trọng là kiểm soát hiệu quả biến động giá đất, nhất là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, nhằm tạo môi trường ổn định cho đầu tư.
Đáng chú ý, Nghị quyết đặt ra thời hạn cụ thể: chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối đồng bộ với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các hệ thống dữ liệu liên quan. Toàn bộ quy trình giao dịch trong lĩnh vực đất đai sẽ được thực hiện điện tử, công khai, minh bạch thông tin tới doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bộ Chính trị cũng chỉ đạo tháo gỡ các dự án đang vướng mắc về thủ tục, chậm tiến độ; đồng thời khai thác hiệu quả đất công, trụ sở không sử dụng, đất trong tranh chấp, trong các vụ án kéo dài. Đặc biệt, cần có chính sách cho thuê đất công chưa khai thác tại địa phương cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa phương được phép dùng ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng. Điều kiện đi kèm là phải dành một phần quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp thuê. Tỷ lệ cụ thể là tối thiểu 20 ha/khu hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng.
Các doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên này sẽ được giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu, khoản miễn giảm sẽ được hoàn trả cho chủ đầu tư thông qua khấu trừ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, thông tin liên lạc và cải cách thủ tục hành chính.
Trong khi đó, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí tài sản công, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương và bộ, ngành rà soát toàn diện quỹ tài sản công chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Một bước đi quan trọng là Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng về tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước, bao gồm cả tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư và quản lý.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một cuộc tổng kiểm kê tài sản công quy mô toàn quốc, có áp dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu. Kết quả kiểm kê sẽ là cơ sở để hoạch định chiến lược quản lý tài sản công, đồng thời phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính và xử lý tài sản dôi dư hiệu quả.
Nguồn: Báo Đầu tư
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN