Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị đánh giá toàn diện việc thi hành Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, làm cơ sở xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Động thái này được thực hiện trên cơ sở Công văn số 3801/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần được rà soát kỹ lưỡng để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được triển khai.
Để chuẩn bị nội dung trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XV), Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương tiến hành đánh giá theo 3 nhóm nội dung chính.
Thứ nhất, đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền địa phương. Trong đó cần làm rõ tính kịp thời, đầy đủ, sự phù hợp với phân cấp quản lý, sự tuân thủ các quy định cấp trên, tính đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Đồng thời, địa phương phải thống kê cụ thể các văn bản đã ban hành theo thẩm quyền được giao.
Thứ hai, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai. Nội dung đánh giá bao gồm hình thức triển khai, đối tượng tiếp cận, số lượng các khóa tuyên truyền, tập huấn đã tổ chức, cùng những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thứ ba, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện các quy định thực tế như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ; thông tin, dữ liệu đất đai và tài chính đất đai; chế độ sử dụng đất; thủ tục hành chính; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Ngoài ra, các địa phương cũng phải nêu rõ thực trạng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các biện pháp giám sát, theo dõi thực thi pháp luật đất đai tại địa phương.
Việc đánh giá đầy đủ các nội dung này sẽ góp phần cung cấp cơ sở thực tiễn quan trọng cho quá trình đề xuất sửa đổi pháp luật đất đai, đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh tổ chức hành chính mới và thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất trên toàn quốc.
Nguồn: Báo Lao động
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN