Doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo được đề xuất giảm 30% tiền thuê đất, miễn thuế 2 năm

Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân – được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 14/5 – đề xuất loạt chính sách ưu đãi chưa từng có dành cho doanh nghiệp công nghệ cao, nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo.

Doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo được đề xuất giảm 30% tiền thuê đất, miễn thuế 2 năm
Doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo được đề xuất giảm 30% tiền thuê đất, miễn thuế 2 năm

Theo tờ trình của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, nhóm doanh nghiệp trên có thể được giảm ít nhất 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu khi thuê đất tại khu, cụm công nghiệp hoặc vườn ươm công nghệ. Khoản giảm này sẽ được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư hạ tầng.

UBND cấp tỉnh sẽ phải bố trí tối thiểu 20 ha đất trong mỗi khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất có hạ tầng để ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp đặc thù này. Ngoài ra, họ còn được thuê tài sản công là nhà, đất chưa sử dụng tại địa phương.

Về tín dụng, dự thảo quy định doanh nghiệp và hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn thực hiện dự án xanh, tuần hoàn, hoặc áp dụng tiêu chuẩn ESG. Các startup và quỹ đầu tư khởi nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu, giảm 50% trong 4 năm kế tiếp. Cá nhân, tổ chức góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được miễn thuế chuyển nhượng vốn.

Chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc trung tâm R&D sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân 2 năm, và giảm một nửa trong 4 năm tiếp theo.

Đáng chú ý, hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ chuyển mạnh sang hậu kiểm. Mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ bị kiểm tra không quá một lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Các hành vi lạm dụng thanh tra để nhũng nhiễu sẽ bị xử lý nghiêm.

Dự thảo cũng xác định rõ ranh giới giữa trách nhiệm dân sự và hình sự. Với vi phạm kinh tế, ưu tiên biện pháp dân sự, hành chính và cho phép doanh nghiệp tự khắc phục nhằm tạo môi trường đầu tư ổn định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực xây dựng nghị quyết nhưng yêu cầu rà soát kỹ nội dung về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ông lưu ý bài học từ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từng triển khai nhưng hiệu quả thấp do tiêu chí mơ hồ và tâm lý e ngại thanh tra.

Theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từ ngày 1/6/2026, hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh sẽ chấm dứt, thay bằng hình thức kê khai theo Luật Quản lý thuế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc thể hiện các quy định về trách nhiệm hình sự, thanh tra, kiểm tra trong nghị quyết mang tính định hướng lớn, là thông điệp cải cách thể chế mà cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này vào ngày 15/5 và thông qua vào ngày 17/5.

Nguồn: Vnexpress

HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *