
Những năm gần đây, bài toán tiếp cận đất đai ngày càng trở thành rào cản lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong các ngành sản xuất chế biến và làng nghề truyền thống. Nhiều dự án phải dừng lại giữa chừng, không thể triển khai dù đã chuẩn bị đầy đủ về vốn, mặt bằng và giấy phép đầu tư.
Ông chủ một doanh nghiệp da giày lớn ở miền Bắc chia sẻ, từ trước đại dịch Covid-19, ông đã theo đuổi dự án xây dựng nhà máy tại quê nhà. Mặt bằng đã xong, giấy phép đầu tư cũng có, nhưng đến nay, lễ khởi công vẫn chưa thể diễn ra. Lý do: dự án nằm ngoài khu công nghiệp và không được phép xây dựng.
“Toàn bộ quá trình chuẩn bị bị đình trệ chỉ vì vị trí đất không còn phù hợp quy hoạch mới”, ông nói.
Không riêng ông, nhiều doanh nghiệp sản xuất ở các địa phương cũng đang lâm vào thế bí. Một chủ xưởng gỗ ở ngoại thành Hà Nội kể rằng, cả dãy xưởng của anh và hàng xóm đã bị dỡ bỏ vì “vi phạm quy định”. Vốn liếng tích lũy nhiều năm đầu tư vào nhà xưởng bỗng chốc tan biến. Khu vực từng sầm uất giờ chỉ là bãi đất trống, hoang hóa.
Trên thực tế, các quy định mới về quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy… khiến hàng loạt cơ sở sản xuất nhỏ trong khu dân cư bị xếp vào diện vi phạm. Họ buộc phải chuyển vào khu công nghiệp để được cấp phép hợp pháp. Tuy nhiên, chi phí thuê đất trong khu công nghiệp lại vượt xa khả năng của đa số doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất cá thể.
Nhiều cơ sở dù có sẵn đất hợp pháp (có sổ đỏ, diện tích lớn) nhưng không thể chuyển mục đích sử dụng, không được cấp phép xây dựng, không có đánh giá môi trường hay chứng nhận PCCC – dẫn tới hoạt động sản xuất bị treo lơ lửng, rủi ro pháp lý cao, không thể tiếp cận vốn ngân hàng hay mở rộng đầu tư.
Nghịch lý ở chỗ, ngay cả những cơ sở sản xuất hoạt động từ trước khi có quy hoạch đất công nghiệp cũng không được gia hạn giấy phép, bị buộc dừng hoặc tháo dỡ vì “sai mục đích sử dụng đất”.
74% doanh nghiệp phải hoãn hoặc hủy kế hoạch đầu tư
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố, có tới 74% doanh nghiệp năm 2024 phải hoãn hoặc hủy kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn trong thủ tục đất đai – tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Năm 2023 là 73%, tăng mạnh so với 42,9% của năm 2022 và 53,9% của năm 2021.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, tiếp cận đất đai luôn là trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn không chỉ đến từ thủ tục rườm rà, kéo dài mà còn do chi phí quá cao, vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Cơ chế đấu giá, đấu thầu để giao đất – theo quy định của Luật Đất đai – gần như loại các doanh nghiệp nhỏ khỏi cuộc chơi. Đó là chưa kể, sau khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, giá đất tính theo thị trường sẽ càng khiến nhiều dự án khó khả thi về mặt tài chính.
Hy vọng mới từ Nghị quyết 68
Nghị quyết 68 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ phần nào những vướng mắc hiện nay. Theo đó, các địa phương phải đảm bảo dành ít nhất 20 ha mỗi khu, cụm công nghiệp (hoặc 5% quỹ đất có hạ tầng) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, các doanh nghiệp này được giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc rà soát, giải quyết dứt điểm những dự án chậm tiến độ, sử dụng đất lãng phí hoặc bị “treo” do tranh chấp pháp lý kéo dài.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây Nghị định 35/2022/NĐ-CP từng đề cập việc dành tỷ lệ đất cho doanh nghiệp nhỏ, nhưng thực tế triển khai chưa hiệu quả. Lần này, Nghị quyết mới mang tính đột phá, cụ thể hơn, buộc các địa phương phải thực hiện nghiêm.
Tinh thần này đang thắp lên hy vọng cho nhiều doanh nghiệp. Trở lại câu chuyện ông chủ da giày, sau nhiều năm bế tắc, chính quyền địa phương đã đồng ý chuyển dự án của ông vào khu công nghiệp. Thế nhưng, để hoàn tất thủ tục, ông lại phải đi xin chữ ký của hàng chục lãnh đạo sở, ngành.
“Tôi đã mất cả tuần để xin chữ ký mà vẫn chưa đủ. Trong khi chỉ cần Chủ tịch tỉnh ký là đủ”, ông chia sẻ trong sự mỏi mệt.
Tỉnh nơi ông đầu tư hiện có hàng chục doanh nghiệp gặp tình cảnh tương tự: vướng đất đai, không được cấp phép, đầu tư dở dang mà không thấy lối ra.
“Tôi hy vọng Nghị quyết 68 và các chính sách tới đây thực sự cởi mở hơn, nhất là về thủ tục hành chính, quy hoạch, đất đai và PCCC. Chúng tôi mòn mỏi chờ đợi quá lâu rồi”, ông nói.
Nguồn: Vietnamnet
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN