Rượu là một loại đồ uống có cồn thực phẩm được sản xuất từ quá trình lên men. Việc nhập khẩu rượu về Việt Nam là một hoạt động kinh doanh phổ biến, nhưng cũng đòi hỏi sự chú ý đến các quy định pháp lý và thủ tục hải quan. Quá trình nhập khẩu này thường phải tuân thủ các quy định về thuế nhập khẩu, kiểm tra chất lượng và các yêu cầu về nhãn mác sản phẩm do vậy bài viết này cung cấp cho Quý Khách hàng quy trình tổng quát về thủ tục nhập khẩu rượu tại TP.HCM.
I. Khái niệm nhập khẩu rượu
Nhập khẩu là một hoạt động mua bán và trao đổi hàng hóa quốc tế, trong đó cá nhân hoặc tổ chức có quyền nhập khẩu có thể đưa hàng hóa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Khi được cấp giấy phép nhập khẩu, mặt hàng đó sẽ được đưa vào và lưu thông trên thị trường Việt Nam. Nhập khẩu rượu là hoạt động nhập khẩu rượu từ thương nhân nước ngoài để kinh doanh phân phối tại nhiều tỉnh thành phố tại Việt Nam.
II. Quy định chung về nhập khẩu rượu
-Cơ sở pháp lý: Điều 30 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về nhập khẩu rượu như sau:
1. Doanh nghiệp có Giấy phép phân phối rượu được phép nhập khẩu rượu và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của rượu nhập khẩu. Trường hợp nhập khẩu rượu bán thành phẩm, doanh nghiệp chỉ được bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
2. Doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp được phép nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu rượu bán thành phẩm để sản xuất rượu thành phẩm.
3. Trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Nghị định này, rượu nhập khẩu phải đáp ứng quy định sau:
a) Phải được ghi nhãn hàng hóa, dán tem rượu theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
b) Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP)
4. Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
III. Nguyên tắc quản lý rượu
-Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định về Nguyên tắc quản lý rượu như sau:
1. Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tại Nghị định này.
2. Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
3. Trong quá trình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy. Trong quá trình bán rượu tiêu dùng tại chỗ, thương nhân phải tuân thủ các quy định về phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
IV. Điều kiện nhập khẩu rượu
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150 m2 trở lên.
– Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
-Có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; tại địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu.
-Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.
-Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.
V. Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu rượu
-Cơ sở pháp lý:
- Khoản 1 Điều 30 Nghị định 105/2017/NĐ-CP Về kinh doanh rượu;
- Điều 31 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu quy định về Nhập khẩu rượu để thực hiện thủ tục cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm
Tổng hợp các quy định trên, thủ tục xin phép nhập khẩu rượu tiến hành qua 3 bước:
Bước 1: Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Văn bản ủy quyền (nếu có).
Nộp hồ sơ và nhận kết quả:
– Nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;
– Giải trình, cung cấp các tài liệu khác (nếu có);
– Nhận kế quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Thông báo từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Bước 2: Công bố chất lượng sản phẩm rượu
Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm rượu trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm (Trong trường hợp chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp 01 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận).
Trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn.
Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó).
Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm rượu bao gồm:
(1) Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định sô 15/2018/NĐ-CP;
(2) Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025.
(Gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực).
Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Bước 3: Thủ tục xin Giấy phép phân phối rượu
Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc hồ sơ trực tuyến; đến bộ phận một cửa của Bộ Công thương và nhận Giấy biên nhận thời hạn trả kết quả;
Thành phần hồ sơ bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu (Mẫu số 01 Nghị định 17/2020 NĐ- CP);
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.
3. Tài liệu về hệ thống phân phối rượu gồm một trong hai loại sau:
a) Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hoặc bản cam kết tham gia hệ thống phân phối rượu; kèm bản sao Giấy phép bán buôn rượu của thương nhân dự kiến tham gia hệ thống phân phối rượu;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để kinh doanh rượu.
4. Tài liệu liên quan đến nhà cung cấp rượu:
a) Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài, trong đó ghi rõ các loại rượu dự kiến kinh doanh phù hợp với hoạt động của các nhà cung cấp rượu;
b) Trường hợp nhà cung cấp rượu là thương nhân trong nước; cần có bản sao Giấy phép sản xuất rượu hoặc Giấy phép phân phối rượu.
Nộp hồ sơ và nhận kết quả:
– Bộ Công thương xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh bổ sung hồ sơ.
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Công thương sẽ xem xét và cử đoàn thanh tra xuống trụ sở để đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp xin cấp phép, nếu đã đáp ứng đầy đủ, Bộ Công thương sẽ cấp giấy phép kinh doanh phân phối rượu cho doanh nghiệp;
– Doanh nghiệp tới trực tiếp Bộ Công thương để nhận giấy phép hoặc đăng ký nhận giấy phép qua đường bưu điện.