Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng 28/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với các bộ, ngành, chuyên gia và đại diện từ các địa phương để thảo luận phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy tổ chức và sáp nhập địa giới hành chính, ông Hà nhấn mạnh cần thay đổi cách tiếp cận, căn cứ và tư duy không gian phát triển theo xu hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Theo ông, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia không chỉ làm nền tảng định hướng cho việc điều chỉnh các quy hoạch ngành, vùng, địa phương, xây dựng đô thị hay nông thôn mà còn cần mang tính động, mở và dự báo dài hạn, xác định rõ các vấn đề cần kiểm soát và quản lý, mà không nên rơi vào trạng thái “không biết, không quản được thì cấm”.
Trong báo cáo cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&MT Lê Minh Ngân cho biết mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là nhằm phân bổ hợp lý, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đất, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ, đô thị, đồng thời duy trì diện tích đất trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và linh hoạt chuyển đổi diện tích đất có hiệu quả thấp.
Báo cáo nêu rõ, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2026-2030 là đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng năm 2025 đạt trên 8% và giai đoạn 2026-2030 duy trì tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số. Theo đó, Bộ NN&MT sẽ tiếp tục thực hiện khai hoang, phục hóa, lấn biển và đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng, hạn chế tình trạng suy thoái đất cũng như cải tạo, phục hồi diện tích đất thoái hóa gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Dự kiến đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sẽ là 26.782,12 nghìn ha (giảm 949,92 nghìn ha so với quy hoạch duyệt ban đầu), trong đó đất lúa giảm 213,79 nghìn ha xuống còn 3.341,80 nghìn ha, cung cấp 39,47 triệu tấn thóc/năm (trong khi mục tiêu an ninh lương thực là 33,73 triệu tấn thóc/năm). Đất lâm nghiệp dự kiến đạt 15.502,07 nghìn ha (giảm 347,70 nghìn ha) với tỷ lệ che phủ rừng 46,78% – cao hơn 4,78% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, trong khi nhóm đất phi nông nghiệp tăng lên 5.833,25 nghìn ha (tăng 936,77 nghìn ha).
Kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ NN&MT tiếp tục chủ trì làm việc với các bộ, ngành và địa phương nhằm thống nhất phương án điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất. Ông nhấn mạnh cần tính toán giai đoạn chuyển tiếp sử dụng quy hoạch, kế hoạch khi bỏ cấp huyện, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh và xã, cũng như xây dựng cơ chế điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khi các địa phương hoàn thành sáp nhập.
Ông Hà khẳng định, “Quy hoạch lần này thể hiện tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, tích hợp với các quy hoạch khác và lấy quy hoạch xây dựng làm trung tâm”. Đối với đất nông nghiệp, ông đề nghị đổi mới tư duy quản lý theo hướng toàn diện về an ninh lương thực, đổi mới công nghệ và thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm xem xét chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu, hoặc cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông cũng yêu cầu rà soát tiêu chí phân loại đất lâm nghiệp dành cho các loại cây công nghiệp trên đất có rừng che phủ, bảo vệ môi trường, phân bổ chỉ tiêu đất công nghiệp kèm theo nguyên tắc bố trí đất tư và sử dụng hiệu quả hơn.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý khi điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần xây dựng cơ chế mở, linh hoạt để điều chỉnh chỉ tiêu phục vụ các công trình cấp bách ở Đồng bằng sông Cửu Long, bổ sung diện tích đất hình thành từ hoạt động lấn biển và phân cấp cho địa phương chủ động huy động nguồn lực để cải tạo, phục hồi diện tích đất ô nhiễm, hoang hoá.
Nguồn: Báo Tiên phong
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN